Tư Vấn Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con

I. Cấp dưỡng là gì?

Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con, theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.

II. Ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 82 Luật HNGĐ 2014, cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc đối với cha, mẹ người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Ngoài ra, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con còn được quy định tại Điều 107 Luật HNGĐ 2014, là nghĩa vụ không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện theo quy định như sau:

Tư Vấn Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con
Tư Vấn Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con

2.1 Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con trong các trường hợp sau đây:

– Con chưa thành niên;

– Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ phát sinh trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

2.2 Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

Tư Vấn Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con
Tư Vấn Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con

III. Xác định mức cấp dưỡng

– Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Trường hợp hai bên vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào các yếu tố sau:

  • Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tức là căn cứ vào mức thu nhập thường xuyên hoặc tài sản còn lại của cá nhân đó sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của họ.
  • Nhu cầu thiết yếu của con (là người được cấp dưỡng): dựa trên mức chi tiêu cần thiết của con theo mức sống trung bình của một cá nhân ở độ tuổi tương tự tại địa phương nơi con cư trú, bao gồm các chi phí cần thiết về ăn ở, mặc, đi lại, học hành, khám chữa bệnh và các chi phí cần thiết khác nhằm bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng.

– Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi (ví dụ: mức cấp dưỡng vượt quá khả năng kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng). Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Phương thức cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Lời khuyên của Ths. Lg Võ Thanh về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng:

1. Trên thực tế, thông thường phương thức cấp dưỡng một lần ít được ưu tiên áp dụng. Lí do là đối với phương thức cấp dưỡng một lần, thông thường khoản tiền phải cấp dưỡng tương đối lớn và có thể gây khó khăn cho người phải thực hiện nghĩa vụ.

2. Tại thời điểm thỏa thuận, vợ/ hoặc chồng thường muốn ưu tiên cấp dưỡng một lần cho con, nhằm hạn chế tình trạng trốn tránh nghĩa vụ. Tuy nhiên sau đó lại không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận hoặc trì hoãn thực hiện mặc dù có khả năng, dẫn đến quyền lợi của con (người được cấp dưỡng) không được đảm bảo.

3. Một số văn bản pháp luật được dẫn chiếu trong bài viết có thể hết hiệu lực tại thời điểm Quý khách hàng tra cứu. Do đó, để tối ưu nhất Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Hãng Luật Thành Công để được đội ngũ Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí và chính xác nhất.

Tư Vấn Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con
Tư Vấn Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng Nuôi Con

IV. Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi nào?

Chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

– Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

– Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

– Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

– Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

– Trường hợp khác theo quy định của luật.

V. Trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc của người không trực tiếp nuôi con đối với con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động; và không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác cũng như không thể chuyển giao cho người khác.

Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng, việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận khi ly hôn theo Quyết định công nhận sự thòa thuận của Tòa án

– Không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo Bản án, Quyết định của Tòa án khi ly hôn;

– Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp có điều kiện thi hành án.

XEM THÊM: Tư Vấn Khởi Kiện Vụ Án Dân Sự

Về xử lý hình sự:

Căn cứ theo quy định tại Điều 186 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:

“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,

sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, cha, mẹ người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn mà có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc dù đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị xử phạt hình sự: phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ 02 năm hoặc nặng hơn là phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

Hãng Luật Thành Công (TC Lawyers) được thành lập bởi các Luật sư, Luật gia và các Chuyên gia về pháp luật, luôn không ngừng phấn đấu để trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ pháp lý cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hàng trong và ngoài nước.

Với phương châm là “Sự hài lòng của Quý khách hàng chính là tiêu chí để đáng giá chất lượng dịch vụ của chúng tôi”, chúng tôi cam kết cung cấp các dịch vụ có chất lượng vượt trội hơn so với sự mong đợi của Quý khách hàng, với thái độ tận tậm, tận tụy, chuyên nghiệp, coi quyền lợi của Quý khách hàng chính là quyền lợi của Công ty để nỗ lực đạt được kết quả cuối cùng thật sự hoàn hảo và thoả mãn được các yêu cầu của Quý khách hàng.