Tội dâm ô trẻ em: Hình phạt nghiêm khắc cho kẻ xấu xa

Tội Dâm Ô Trẻ Em: Quy Định Pháp Luật, Dấu Hiệu Nhận Biết và Hình Phạt Mới Nhất

Tội Dâm Ô Trẻ Em: Quy Định Pháp Luật, Dấu Hiệu Nhận Biết và Hình Phạt Mới Nhất

Tội phạm hình sự nói chung, tội phạm xâm hại tình dục như tội dâm ô trẻ em nói riêng đang là một trong những vấn đề báo động ở nước ta trong thời gian vừa qua.

Đây đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em.

Hậu quả của tội dâm ô trẻ em này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tính thần đối với trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước. Nhà nước và các ban ngành chức năng, truyền thông báo chí cũng đã có những hành động, chương trình cụ thể để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng này.

Tuy nhiên đến nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng; công tác bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng xâm hại tình dục vẫn gặp phải nhiều khó khăn, rào cản.

Pháp luật Hình sự nước ta đã đặt ra những chế tài hết sức nghiêm khắc nhằm răn đe đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Kính mời Quý khách hàng, Quý độc giả cùng Hãng Luật Thành Công tìm hiểu bài viết tư vấn chi tiết của Luật sư dưới đây:

1. Cơ sở pháp lý tội dâm ô trẻ em

Tội dâm ô trẻ em được quy định rõ ràng và cụ thể tại Bộ luật Hình sự Việt Nam

– Bộ luật Hình sự hợp nhất số 01/VBHN-VPQH (Hợp nhất Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Bổ sung Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018);

– Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại của Bộ Luật Hình sự về việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Cơ sở pháp lý tội dâm ô trẻ em
Cơ sở pháp lý tội dâm ô trẻ em

2. Như thế nào là tội dâm ô trẻ em (người dưới 16 tuổi)?

Tội dâm ô trẻ em là tội ác quá tàn nhẫn bởi các con còn quá nhỏ, còn cả một tương lai phía trước

Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Gồm một trong các hành vi sau đây:

• Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

• Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

• Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

• Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

• Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).

3. Dấu hiệu cấu thành Tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi

Vì ai mà con chịu đau? Vì ai mà con phải khóc? Chẳng phải là vì những kẻ vi phạm tội dâm ô trẻ kia sao? 

Để truy cứu trách nhiệm về Tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi thì cơ quan có thẩm quyền phải có nghĩa vụ chứng minh người phạm tội có các hành vi để đủ yếu tố cấu thành về tội danh này, ngược lại nếu không chứng minh được có hành vi vi phạm thì không được buộc tội.

Một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 146 BLHS 2015 nếu như hành vi của họ đáp ứng đủ các dấu hiệu cấu thành của tội phạm này. Bao gồm:

a. Mặt chủ thể

Chủ thể của tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi có thể là nam hoặc nữ (chủ yếu là nam) và là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

b. Mặt khách thể

Tội dâm ô trẻ em người dưới 16 tuổi là hành vi đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tâm lý và sự phát triển bình thường của người bị hại dưới 16 tuổi.

Nạn nhân là người dưới 16 tuổi, không phân biệt nam hay nữ.

Dấu hiệu cấu thành Tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi
Dấu hiệu cấu thành Tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi

c. Mặt chủ quan

– Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý.

– Về mục đích: Nhằm kích thích hoặc thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội. Nhưng không nhằm mục đích giao cấu với nạn nhân.

Nếu người phạm tội có mục đích giao cấu hoặc đã giao cấu với nạn nhân thì sẽ phạm vào tội khác theo quy định của BLHS như: Tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

d. Mặt khách quan

Những kẻ vi phạm tội dâm ô trẻ em đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

– Hành vi khách quan: Người phạm tội có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em, xâm phạm đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em:

• Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

• Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

• Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

• Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

• Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).

– Về mặt hậu quả: Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tâm lý và sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi.

Tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi là tội có cấu thành hình thức, nghĩa là không căn cứ vào hậu quả và những tổn hại của nạn nhân từ hành vi dâm ô gây ra mà chỉ xét về hành vi vi phạm của người thực hiện tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người có ý định dâm ô nhưng chưa có hành vi cụ thể nào thể hiện ý định dâm ô thì không cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Một số lưu ý của Luật sư Hãng luật Thành Công tội dâm ô trẻ em

1. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng éo thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội.

Việc tự nguyện của nạn nhân không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bởi vì độ tuổi và nhận thức của nạn nhân rất non nớt, chưa được xem là trưởng thành để đủ chín chắn nhìn nhận được việc bản thân đang bị xâm hại.

Vì vậy việc xử lý hành vi dâm ô không xem xét về yếu tố tự nguyện của nạn nhân mà điều quan trọng nhất là độ tuổi của nạn nhân.

2. Các hành vi của người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi phải là chưa hoặc không có mục đích giao cấu.

Nếu có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng không giao cấu hoặc không thực hiện hành vi đó được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi hoặc Tội giao cấu với người dưới 16 tuổi.

4. Mức phạt trách nhiệm hình sự đối với Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Mức phạt trách nhiệm hình sự đối với Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
Mức phạt trách nhiệm hình sự đối với Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

4.1. Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

4.2. Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

4.3. Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

Một số lưu ý của Luật sư Hãng luật Thành Công tội dâm ô trẻ em

Ngoài bị truy cứu TNHS là phạt tù thì người phạm Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Trường hợp loại trừ xử lý hình sự

Không xử lý hình sự theo Tội dâm ô trẻ em đối với người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 146 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

• Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục

Ví dụ: Cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non…)

• Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục

Ví dụ: Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước…)

Trường hợp loại trừ xử lý hình sự
Trường hợp loại trừ xử lý hình sự

Một số lưu ý của Luật sư Hãng luật Thành Công về nguyên tắc xử lý đối với tội dâm ô trẻ em

1. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.

2. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.

Kết luận

Tội dâm ô trẻ em không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe của trẻ em. Nhà nước đã đưa ra các chế tài nghiêm khắc nhằm trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội và bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại.

Xem thêm: Tội Vi Phạm Chế Độ Một Vợ Một Chồng: Quy Định Pháp Luật & Mức Phạt Mới Nhất