Tư Vấn Luật Tài Chính Ngân Hàng

LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: 07 LƯU Ý CỦA LUẬT SƯ

LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: 07 LƯU Ý CỦA LUẬT SƯ

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, tài chính ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu về vốn cũng gia tăng, và vai trò của các tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay tín dụng trở nên thiết yếu. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho quyền lợi của bên cho vay trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Nhằm giúp Quý khách hàng và độc giả hiểu rõ hơn về luật tài chính ngân hàng, nay Hãng Luật Thành Công kính gửi đến Quý khách hàng, Quý độc giả bài viết với chủ đề “LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: 07 LƯU Ý CỦA LUẬT SƯ”.

Kính mời Quý khách hàng, Quý độc giả cùng Hãng Luật Thành Công tìm hiểu các nội dung sau đây:

  • Căn cứ pháp lý của luật tài chính ngân :

– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 do Quốc Hội ban hành

– Văn bản hợp nhất 8020/VBHN-BTP năm 2013 hợp nhất Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm do Bộ Tư pháp ban hành.

– Văn bản hợp nhất 8019/VBHN-BTP năm 2013 hợp nhất Nghị định về giao dịch bảo đảm do Bộ Tư pháp ban hành.

I. Các biện pháp bảo đảm khoản vay trong tài chính ngân hàng

1. Hợp đồng tín dụng trong tài chính ngân hàng là gì?

Hợp đồng tín dụng trong tài chính ngân hàng là hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 463 BLDS 2015. Cụ thể, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, có thể hiểu hợp đồng tín dụng ngân hàng là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho vay (các tổ chức tín dụng) với bên vay (pháp nhân, cá nhân có đủ những điều kiện do luật định) về việc bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho bên vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG - Các biện pháp bảo đảm khoản vay trong tài chính ngân hàng
LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG – Các biện pháp bảo đảm khoản vay trong tài chính ngân hàng

2. Các biện pháp bảo đảm khoản vay trong tài chính ngân hàng

Khi ký kết hợp đồng tín dụng, các bên cần có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo Điều 292 BLDS 2015, có 09 biện pháp bảo đảm, nhưng trong tài chính ngân hàng, chỉ có 05 biện pháp thường được sử dụng, bao gồm: cầm cố, thế chấp, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp.

– Các biện pháp bảo đảm bằng tài sản gồm:

+ Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.  Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

+ Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ hoặc các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

+ Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG - Các biện pháp bảo đảm khoản vay trong tài chính ngân hàng
LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG – Các biện pháp bảo đảm khoản vay trong tài chính ngân hàng

– Các biện pháp bảo đảm không bằng tài sản gồm:

+ Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

+ Tín chấp là việc các tổ chức chính trị – xã hội (Hội nông dân, Hội phụ nữ,…) tại cơ sở dùng uy tín của tổ chức để bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nhằm thực hiện các chính sách xã hội. Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.

II. Lưu ý khi giao ký kết hợp đồng tín dụng trong tài chính ngân hàng

Các bên khi tham gia giao kết hợp đồng tín dụng phải lưu ý các vấn đề sau đây để đảm bảo việc giao kết hợp đồng tín dụng diễn ra suôn sẻ, đúng quy định pháp luật và hạn chế xảy ra tranh chấp về sau, cụ thể:

Thứ nhất, khi giao kết hợp đồng tín dụng các bên phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Tự do giao kết hợp đồng nhưng mục đích vay vốn của hợp đồng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thảo thuận trong hợp đồng.

– Các bên tự nguyện, bình đẳng trong giao kết hợp đồng.

– Bên vay vốn phải đảm bảo hoàn trả nợ gốc và lãi vay đúng thời hạn quy định trong hợp đồng.

LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG - Lưu ý khi giao kết hợp đồng tín dụng trong tài chính ngân hàng
LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG – Lưu ý khi giao kết hợp đồng tín dụng trong tài chính ngân hàng

Thứ hai, chủ thể trong hợp đồng tín dụng gồm bên cho vay (các tổ chức tín dụng) và bên vay (tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện do luật định). Các chủ thể này phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật khi tham gia ký kết hợp đồng tín dụng. Cụ thể:

  • Đối với cá nhân:

– Tại Điều 16 BLDS 2015 quy định “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự”. Theo đó, năng lực pháp luật dân sự bao gồm:

+ Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản

+ Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản

+ Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó

– Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 19 BLDS 2015. Theo đó, người từ đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sụ đầy đủ, trừ một số trường hợp như: người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

Như vậy, người thành niên (người từ đủ 18 tuổi trở lên) được quyền tham giá ký kết hợp đồng, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Đối với người dưới 18 tuổi khi tham gia giao kết hợp đồng phải có người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ đồng ý hoặc thực hiện trên sự đồng ý của người dưới 18 tuổi.

  • Đối với tổ chức

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự đươc quy định tại Điều 86 BLDS 2015. Một tổ chức được coi là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Được thành lập theo quy định của Bộ luật tài chính ngân , luật khác có liên quan

+ Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của BLDS 2015

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

+ Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

Như vậy, khi tham gia giao kết hợp đồng trong tài chính ngân hàng thì người đại diện pháp luật của tổ chức sẽ tham gia giao kết vừa phải đáp ứng điều kiện là cá nhân đồng thời phải đáp ứng điều kiện của tổ chức với tư cách người đại diện của tổ chức đó.

Thứ ba, kèm theo giao kết hợp đồng tín dụng là hợp đồng bảo đảm khoản vay. Các biện pháp bảo đảm khoản vay bằng tài sản trong luật tài chính ngân hàng được áp dụng với mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên vay, ngoài ra giúp giảm nguy cơ thiệt hại cho chủ nợ trong trường hợp có xảy ra tranh chấp. Các biện pháp bảo đảm khoản vay thường được sử dụng như: thế chấp tài sản, bất động sản, quyền sử dụng đất; cầm cố tài sản,… Như vậy, khi tham gia giao kết hợp đồng tín dụng thì các bên sẽ phải giao kết hai loại hợp đồng, đó là hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm khoản vay. Hai loại hợp đồng này có mối quan hệ pháp lý như sau:

+ Trường hợp hợp đồng tín dụng bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì hợp đồng bảo đảm chấm dứt. Nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng thì hợp đồng bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp hợp đồng bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng tín dụng; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp hợp đồng tín dụng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì hợp đồng bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng thì hợp đồng bảo đảm không chấm dứt; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp hợp đồng bảo đảm bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm chấm dứt hợp đồng tín dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Một số lưu ý của Luật sư Hồ Đặng Lâu về luật tài chính ngân hàng:

1. Hợp đồng tín dụng vô hiệu toàn bộ là hợp đồng tín dụng được các bên ký kết không đáp ứng quy định của pháp luật, mục đích và nội dung lại vi phạm điều cấm của luật tài chính ngân hàng , trái đạo đức xã hội, giả tạo,..Khi hợp đồng bị vô hiệu thì các bên sẽ không có cơ hội để sửa đổi các thiếu sót và làm cho hợp đồng có hiệu lực trở lại.

2. Hợp đồng tín dụng vô hiệu từng phần là hợp đồng khi một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng. Theo đó, các bên có thể sửa đổi bổ sung các thiếu sót, các điều khoản vô hiệu một phần của hợp đồng tín dụng để hợp đồng tín dụng có hiệu lực toàn phần trở lại.

3. Hậu quả pháp lý của hợp đồng tín dụng vô hiệu:

– Hợp đồng tín dụng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm hợp đồng tín dụng được xác lập.

– Khi hợp đồng tín dụng vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

– Trường hợp có thiệt hại xảy ra thì bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại.

ĐỪNG NGẠI NGẦN GỌI ĐẾN CHÚNG TÔI THEO:

Hotline: 1900 633 710

VI. 07 Lưu Ý Khi Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng Trong Tài Chính Ngân Hàng

Tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay (các tổ chức tín dụng) và bên vay (cá nhân, tổ chức). Những tranh chấp này có thể liên quan đến lãi suất, nợ gốc, nợ lãi, việc giải ngân, và xử lý tài sản bảo đảm. Dưới đây là 07 lưu ý quan trọng mà các bên cần ghi nhớ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng:

Thứ nhất, tranh chấp hợp đồng tín dụng thường có giá trị lớn. Cụ thể, bản chất của hợp đồng tín dụng là hợp đồng vay giữa bên cho vay (các tổ chức tín dụng) và bên vay (cá nhân, tổ chức). Theo đó, bên vay đặc biệt là doanh nghiệp thường hướng đến các tổ chức tín dụng để vay những khoản vay lớn nhằm góp vốn kinh doanh. Bên cho vay đáp ứng nhu cầu của bên vay dựa trên nguồn vốn nhàn rỗi từ các chủ thể khác trong thị trường chứ không phải tiền từ túi của bên cho vay. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng tín dụng thường gắn liền với những hợp đồng tín dụng có giá trị tài sản lớn và có tính quyết liệt vì lý do chính là ảnh hưởng của hiệu ứng dây chuyền. Cụ thể, nếu bên cho vay không thu hồi được nợ xấu thì không thể luân chuyển vốn trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng khi mà dòng tiền được thiết lập theo cơ chế lấy tiền vay từ chủ thể này đi cho chủ thể khác vay lại. Từ đó, dễ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ do nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bên cho vay.

LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG - 07 Lưu Ý Khi Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng Trong Tài Chính Ngân Hàng
LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG – 07 Lưu Ý Khi Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng Trong Tài Chính Ngân Hàng

Thứ hai, tranh chấp hợp đồng tín dụng thường gắn với các giao dịch bảo đảm. Bởi lẽ, khi ký kết hợp đồng tín dụng mà bên cho vay là ngân hàng thương mại thì phải có tài sản bảo đảm cũng như sử dụng các biện pháp bảo đảm như thế chấp, cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng các bên cũng phải tìm hiểu về giao dịch bảo đảm kèm theo để xem xét phương thức, thủ tục và trình tự xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ ba, tranh chấp hợp đồng tín dụng thường có sự tham gia của bên thứ ba trong trường hợp bảo lãnh thực hiện hợp đồng tín đồng. Cụ thể, trong quá trình bên cho vay và bên vay ký kết hợp đồng tín dụng thì bên thứ ba không trực tiếp ký nhưng đứng ra chịu trách nhiệm trả nợ thay cho bên vay. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra thì bên thứ ba lại bị cuốn vào và phải đứng ra trả nợ thay cho bên vay nếu bên vay không trả được nợ mặc dù bên thứ ba không hề ký kết trực tiếp trên hợp đồng. Vì vậy, phải xem xét đến vấn đề có hay không sự tham gia của bên thứ ba khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng được thực hiện theo 4 phương thức gồm: thương lượng, hòa giải, giải quyết tại Tòa án và giải quyết tại Trọng tài Thương mại. Theo đó, các bên tham khảo và lựa chọn phương thức phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, cụ thể:

Một, thương lượng giữa các bên là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. Phương thức này thuận lợi ở chỗ đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp, không bị ràng buộc bởi các thủ tực, trình tự phức tạp, đảm bảo yếu tố bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, hạn chế của phương thức này là kết quả giải quyết phụ thuộc vào thiện chí của các bên và không mang tính cưỡng chế.

Hai, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Phương thức này chủ yếu dựa trên ý thức tự nguyện của các bên, không chịu sự ràng buộc của các thủ tục, trình tự pháp lý nhưng lại tốn kém chi phí.

Ba, giải quyết tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đây là phương thức giải quyết mang tính bắt buộc cưỡng chế cao nhất mà các phương thức khác không có. Cụ thể, phán quyết của Tòa án là phán quyết cuối cùng, mang tính cưỡng chế cao và bắt buộc các bên phải thi hành, nếu không thi hành sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, phương thức này thiếu tính linh hoạt và quy định cứng nhắt vì phải tuân theo trình tư, thủ tục, quy định pháp luật và có thời gian giải quyết kéo dài hơn so với các phương thức khác.

Bốn, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với kết quả cuối cùng là phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Hình thức này chỉ được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi có tranh chấp xảy ra. Phương thức này có thủ tục đơn giản, giải quyết nhanh chóng, tính khách quan cao, đảm bảo bí mật kinh doanh nhưng gây tốn kém chi phí nếu thời gian tranh chấp bị kéo dài.

LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG - 07 Lưu Ý Khi Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng Trong Tài Chính Ngân Hàng
LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG – 07 Lưu Ý Khi Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng Trong Tài Chính Ngân Hàng

Thứ năm, trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia, cụ thể:

– Tranh chấp cần được giải quyết một cách kịp thời, chính xác, đúng pháp luật, để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro và có thể tận dụng được những cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia tranh chấp.

– Trong quá trình giải quyết tranh chấp phải bảo đảm giữ được bí mật của hoạt động kinh doanh cũng như uy tín của các bên trong quan hệ tranh chấp.

– Quá trình giải quyết cần đảm bảo tính dân chủ và quyền tự định đoạt của các bên với chi phí giải quyết thấp.

Thứ sáu, trường hợp chỉ có tranh chấp về hợp đồng bảo đảm, không có tranh chấp về tín dụng, thì vẫn phải khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, chứ không khởi kiện độc lập hợp đồng bảo đảm, vì tín dụng là hợp đồng chính, bảo đảm là hợp đồng phụ.

Hay nói cách khác, hợp đồng bảo đảm phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng vì là một bộ phận của hợp đồng tín dụng. Mặc dù tín dụng là hợp đồng chính, nhưng nếu bị vô hiệu thì không dẫn đến việc vô hiệu hợp đồng bảo đảm là hợp đồng phụ theo quy định về hợp đồng vô hiệu tại BLDS 2015.

Thứ bảy, việc giải quyết tranh chấp phải đáp ứng các nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng, cụ thể:

– Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Theo đó việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, luật tài chính ngân hàng áp dụng, phương thức giải quyết tranh chấp đã được các bên thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng phải được tôn trọng và ưu tiên áp dụng. Nguyên tắc này đảm bảo quyền tự do đàm phán, giao kết của thương nhân trong hoạt động kinh doanh thương mại.

– Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Các bên có quyền bình đẳng trong việc áp dụng pháp luật, quyền đưa ra các yêu cầu với cơ quan giải quyết tranh chấp.

– Nguyên tắc xét xử tranh chấp hợp đồng dựa trên chứng cứ hợp pháp, quy định pháp luật và án lệ được Tòa án nhân dân tối cao công bố.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

  • Trụ sở chính: Số 114D đường Lê Lợi, Phường 4, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
  • CN Hóc Môn: Số 004A-004B Bùi Công Trừng, Ấp 3, Xã Đông Thạnh, Huyện Hóc Môn, TP. HCM
  • Hotline:  1900 633 710
  • Email:  [email protected]
  • Website: hangluatthanhcong.vn

Xem thêm: Quy Định Về Chế Độ Tiền Lương – Cách Tính Tiền Lương Mà Doanh Nghiệp Cần Lưu Ý